[HAIPHONG TP TOI YEU]

 

HẢI PHÒNG TP TÔI YÊU


Posted: 03 Feb 2012 10:19 PM PST

Bài hát "Kể chuyện người cộng sản" - sáng tác của cố nhạc sĩ Trần Hoàn, được một lớp thính giả gọi là bài hát về Hải Phòng những năm 30, gắn với sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - một trong những người cộng sản đầu tiên sáng lập Đảng ta. Địa danh bờ làng sông Cấm canh khuya chưa tàn đèn được nhắc đến trong mạch câu chuyện cảm động vì còn có muôn nghìn người đang khóc, tiếc thương người cộng sản trẻ tuổi đã ngã xuống vì nụ cười cho muôn kiếp cần lao.
Hợp xướng "Kể chuyện người cộng sản" - được Trần Hoàn sáng tác năm 1960. Ít ai biết lời bài hát là của Anh Việt- Hồ An có tên trong Kỷ yếu Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng. Và đó là những ca từ đặc biệt bởi độ dài của các tầng con chữ làm nổi bật sự gắn kết giữa quá trình hoạt động cách mạng của người cộng sản Nguyễn Đức Cảnh và nhân dân Hải Phòng theo kết cấu mở: Từ tăm tối đến bừng sáng, từ đơn lẻ đến lớp lớp sóng trào tinh thần cách mạng. Một số lời trích sau đây cho thấy tinh thần ấy. Ở lời 1, Anh Việt- Hồ An viết: "Từ thuở ấy đất nước còn điêu tàn/ Nhân dân bị xéo giày trong tù đày, trong ngục tối/ Ngày và đêm trên đôi vai trĩu xiềng gông. Đời như chẳng còn nguồn sống, tàn lụi xuống". Trong bối cảnh ấy, "Người đồng chí hy sinh cả đời mình. Từ trong lớp thợ thuyền đi theo Đảng, theo dân". Lời 2 là kể tiếp Hải Phòng từ khi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về hoạt động: "Rồi từ ấy, xóm vắng và quê nghèo/ Đêm đêm lần đi về trong lòng người gieo hạt giống/ Ngùn ngụt cháy trong tim của người dân từ lâu oán thù chồng chất ngọn lửa hờn uất./ Cùng toàn dân đinh ninh một lời thề/. Vùng lên để diệt thù anh dẫn đầu tiên phong/. Giành cuộc sống trong tay lũ bạo cường về với lớp thợ thuyền, với dân cày bốn phương...". Lời 3 và lời 4 kể về tinh thần dũng cảm và ảnh hưởng lớn lao từ cái chết của người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Đức Cảnh trên vùng cửa biển Hải Phòng: "Rồi một sớm, phố xá lặng u buồn/ Tin anh lọt tay giặc mang tù đày trong ngục tối/ Người đồng chí qua bao giông tố đòn tra còn hơi sức những ngày cuối anh còn tranh đấu/ Vừng hồng lên sương đêm chưa chịu tan/ Người chiến sĩ từ trần vì lũ giặc/ Bờ làng sông Cấm canh khuya chưa tàn đèn vì còn có muôn nghìn người đang khóc tiếc thương người/ Hôm nay Hải Phòng đang nhộn nhịp xây cuộc sống/ Một mùa xuân reo vang trên bến tàu vui rọi tươi những thôn cày cấy chan hòa nhà máy/ Người đồng chí hy sinh cả đời mình cho đời sau...".
Để phù hợp với câu chuyện kể, nhạc sĩ Trần Hoàn đã làm chuyển động lớp lớp ca từ trên bằng giai điệu âm nhạc chậm vừa, tha thiết. Giọng nhạc giàu chất tự sự tạo nên một tác phẩm giàu hình ảnh trong sáng, tươi vui, tràn đầy lạc quan… Dưới hình thức hợp xướng, "Kể chuyện người cộng sản" đã khái quát lên hình tượng những người cộng sản dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng, cho nhân dân thoát khỏi xiềng gông áp bức của quân xâm lược. Đồng thời cho thấy sức sống của những hạt giống đỏ mà người cộng sản gieo trồng bằng xương máu cho cuộc sống hôm nay.
Trong những thập kỷ trước, "Kể chuyện người cộng sản" được vang lên nhiều lần trên sân khấu ca nhạc thành phố những ngày lễ lớn. Album "Về thăm thành phố Hải Phòng" của nhạc sĩ Trần Hoàn cũng có bài này. Cũng như Hải Phòng, bờ làng sông Cấm nay đã khác xưa. Nhưng, mỗi dịp kỷ niệm mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, nghe lại " Kể chuyện người cộng sản" càng nhớ hơn, trân trọng hơn Trần Hoàn - người nhạc sĩ luôn đồng hành với từng giai đoạn lịch sử bằng những ca khúc thể hiện phong cách riêng cũng như tâm hồn người văn nghệ xung kích của ông, trong đó câu chuyện âm nhạc về người cộng sản Nguyễn Đức Cảnh mà ông để lại luôn có giá trị giáo dục truyền thống sâu sắc.
Ngọc Anh

Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...